TIN NÓNG

Tuesday, 9 September 2014

Trung thu khó quên với chiếc đèn lồng ba làm

Chiếc đèn ba tự làm với tay cầm bằng thanh tre, bên trong còn được thắp cây nến đã khiến tôi vui đến độ bỏ cơm chiều mà chạy quanh xóm khoe với chúng bạn dù nó không được đẹp như đèn con cá hay đèn ông sao của mấy đứa bạn.
Một tối đạp xe loanh quanh những con đường nhộn nhịp và đông đúc nơi thành phố xa lạ, thấy các cửa hàng đã bày bán những chiếc đèn lồng đủ màu đủ sắc cùng vô vàn những chiếc đầu lân với hai con mắt nhấp nháy liên tục, lòng bồi hồi nhận ra: một mùa trung thu nữa lại về. Thời gian như cuốn phim đưa tôi trở về tìm những kỷ niệm của bao mùa trung thu đã qua, một chút nhớ nhung, xao xuyến xen lẫn nỗi niềm tiếc nuối về miền tuổi thơ nay đã phủ bụi thời gian. Ngày đó chỉ mong đến tết trung thu và tết nguyên đán vì được mặc đồ đẹp, ăn những thức ăn ngon và đi chơi. Đối với những cậu bé, cô bé sinh ra từ gốc rạ thì đó thật sự là một điều hạnh phúc và đáng chờ đợi.


Tôi nhớ ngày ấy luôn miệng hỏi mẹ: “Mẹ ơi bao giờ đến trung thu”. Với một con bé chưa tròn 10 tuổi thì trung thu rất “ngon” và vui, được đi rước đèn, xem múa lân, phát bánh kẹo. Nhà tôi nghèo đến nỗi ba mẹ chưa mua cho bất kỳ thứ đồ chơi nào, quanh năm chỉ chơi ô làng, lấy giấy vở gấp diều hay rong ruổi suốt ngày ngoài đồng mò cua bắt ốc. Đến trung thu, nhìn chúng bạn được ba mẹ mua cho những chiếc đèn lồng bọc bằng giấy gương sáng chói và đẹp đẽ, tôi đã dụi đầu vào ngực áo ngai ngái mùi đất ruộng của ba mà thủ thỉ “Ba mua đèn lồng cho con nhé. Con muốn có đèn lồng con cá giống cái Thương”. Ba xoa đầu tôi, mắt buồn thăm thẳm.

Ngày ấy tôi chưa ý thức được cái nghèo đói bám riết đôi chân trần của ba, đôi vai gầy của mẹ, vậy mà chiều đi học về tôi đã thấy chiếc đèn lồng được làm từ vỏ lon bia bỏ đi do ba đục đục khoét khoét cả trưa. Chiếc đèn ba tự làm với tay cầm bằng thanh tre, bên trong còn được thắp cây nến đã khiến tôi vui đến độ bỏ cơm chiều mà chạy quanh xóm khoe với chúng bạn dù nó không được đẹp như đèn con cá giống cái Thương hay đèn ông sao của nhỏ Thanh.

Giờ đây, tôi có thể mua hàng chục lồng đèn đẹp hơn những chiếc lồng đèn có hình con cá hay ông sao, ấy vậy mà vẫn muốn được cầm trên tay chiếc lồng đèn ba tự tay làm vì với tôi nó vô giá, là kỷ vật thiêng liêng ba dành tặng cho tuổi thơ tôi. Giờ đây tôi có gục đầu vào ngực áo ba bao nhiêu lần cũng chẳng được ba xoa đầu mà hứa “Ba sẽ làm cho con gái một chiếc lồng đèn thật đẹp”. Tuổi thơ ơi, sao xa quá!
Tôi nhớ ngày ấy được ăn bánh kẹo là một điều xa xỉ, đôi khi theo anh hai leo lên những đồi núi thoai thoải gần nhà hái sim ăn đến tím lưỡi. Rồi những lần ngóng mẹ đi chợ về mua cho gói bánh ngũ sắc mà ngày đó chỉ một nghìn một gói sáu cái đủ màu. Trung thu lại khác, tôi được ăn những chiếc bánh dẻo ngọt đến tê đầu lưỡi hay những chiếc bánh đậu xanh màu vàng thơm lựng hương quê.

Giờ đây, tuổi thơ chỉ còn trong tiềm thức về một miền yêu thương xưa cũ. Tôi đã chạm tới ngưỡng cửa 20 của tuổi trẻ. Trung thu giờ đây là những chiếc bánh đẹp hơn khi được đặt trong chiếc hộp gói cẩn thận, ngon hơn với nhân trứng muối mà tôi dễ dàng mua được ở cửa hàng nơi phố phường xa lạ. Vậy mà thật khó để có thể tìm lại hương vị ngày xưa từ những chiếc bánh dẻo, bánh đậu xanh. Vị ngọt đó, mùi hương đó giờ đây chỉ còn trong miền ký ức đẹp mà tôi đã vô tình lướt qua, mãi mãi…

Trung thu xưa, lũ trẻ chúng tôi tíu tít rủ nhau đi rước đèn xem múa lân, xếp thành hàng dài đi quanh những con đường quê ngoằn nghèo, thi thoảng lại bụm miệng cười khúc khích khi ông địa vỗ bụng “xưng hùng xưng bá”: “Nay ta được Ngọc Hoàng cử xuống trần gian để diệt trừ yêu quái, đem bình yên cho dân làng. Các con ơi, nổi trống lên… cắc cắc tùng tùng”. Trung thu nay, tôi chẳng còn được cầm lồng đèn ba làm đi khắp xóm, cũng chẳng được ăn những chiếc bánh dẻo, bánh nướng thơm lừng. Khoảng trời kỷ niệm, hương vị quê nhà ấy dường như đã trôi về miền tuổi thơ mà tôi chẳng thể nào tìm lại được.
“Tết trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…”, bất chợt nghe bài hát xưa cũ được phát ra từ chiếc radio của một cửa hàng, sao lòng buồn quá!

(Theo VNExpress.net)

Post a Comment